MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ MÔN TẬP LÀM VĂN LỚP 3.


MỤC TIÊU CỦA MÔN TIẾNG VIỆT Ở BẬC TIỂU HỌC. 


Hình thành và phát triển ở học sinh tiểu học các kiến thức và kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ tiếng Việt (nghe, đọc, nói, viết) trong học tập và trong hoạt động giao tiếp ở nhà trường, gia đình và xã hội phù hợp với từng lứa tuổi. Trên cơ sở của hoạt động dạy và học, chương trình môn Tiếng Việt mới sẽ góp phần rèn luyện và phát triển các thao tác tư duy cho học sinh. 

Chương trình được xây dựng theo quan điểm giao tiếp, quan điểm tích hợp và quan điểm tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh nhằm cung cấp những kiến thức sơ giản về tiếng Việt cũng với những hiểu biết ban đầu về xã hội, tự nhiên, con người, về văn hóa, văn học của Việt Nam và của nước ngoài. 

Thông qua hoạt động dạy và học nhằm bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt, hình thành kĩ năng nói, viết đúng và hay tiếng Việt, góp phần giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, làm cơ sở hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 


Chương trình Tập làm văn ở lớp 3 bao gồm một số nội dung và kiểu bài cơ bản sau đây: 

Bài tập nghe: Nghe và kể lại một mẩu chuyện ngắn. 

Bài tập nói gồm có: Tổ chức, điều khiến cuộc họp, phát biểu trong cuộc họp 

Kể hoặc tả miệng về người thân, gia đình, trường lớp, quê hương, lễ hội, các hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật... 

Bài tập viết gồm có: Điền vào giấy tờ in sắn. Viết một số giấy tờ theo mẫu. Viết thư. Ghi chép số tay.

Kể hoặc tả ngắn về người thân, gia đình, trường lớp, quê hương, lẽ hội, hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật... 

Yêu cầu:



Tiếp tục đường hướng chung là hình thành và phát triển các kĩ năng giao tiếp nhưng yêu cầu cao hơn so với lớp 2, chương trình Tập làm văn ở lớp 3 đòi hỏi học sinh phải có được những kĩ năng giao tiếp bậc cao hơn, không dừng lại ở các nghi thức lời nói thông thường trong giao tiếp như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi... mà là các hoạt động giao tiếp xã hội có tính chất và phạm vi rộng lớn (gia đình, nhà trường, xã hội) như: viết thư, làm đơn, tổ chức, phát biểu trong cuộc họp, giới thiệu các hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật, làm báo cáo... Vì vậy, đòi hỏi học sinh không những vận dụng trí nhớ để làm bài mà còn phải huy động cả những tri thức về ngôn ngữ vào bài làm văn của mình thể hiện qua hai dạng nói và viết. Kĩ năng nói, viết các kiểu bài tập làm văn ở lớp 3 bao gồm một hệ thống các kĩ năng bộ phận như: kĩ năng sử dụng các giác quan để quan sát tìm ý, kĩ năng lập dàn ý, kĩ năng xây dựng đoạn văn liên kết câu, kĩ năng diễn đạt bằng lời kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ như: ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ khi nói trước chỗ đông người… Một điều quan trọng đòi hỏi ở các em là bài làm (nói, kể, viết) không phải là sự lặp lại của người khác mà đòi hỏi sự sáng tạo của chính các em qua những kiểu bài tập cụ thể trong chương trình.